Có mặt tại một buổi học của lớp 3 tuổi Trường Mần non Quảng Châu - nơi cô Động đang công tác. Nhìn từng cử chỉ ân cần, ánh mắt âu yếm và đặc biệt nụ cười luôn nở trên môi khi chỉ dạy cho các em từng câu hát, từng điệu nhạc, không ai nghĩ cô Động lại có một hoàn cảnh gia đình éo le đến như vậy.
(Cô Động dạy hát cho các cháu lớp 3 tuổi)
19 tuổi cô Động lập gia đình với một chàng trai cùng xã, 4 năm sau cô lần lượt sinh được 3 người con trai, cuộc sống tuy vất vả nhưng gia đình lúc nào cũng tràn ngập hạnh phúc. Bất hạnh chỉ thực sự bắt đầu khi người con lớn của cô bị mắc bệnh máu khó đông khi vừa tròn 7 tuổi, sau đó vài năm người con út cũng bị bệnh máu khó đông khi đang học lớp 5, mọi hy vọng còn lại dồn vào cậu con thứ 2, nhưng tất cả sụp đổ khi các bác sỹ thông báo cậu cũng bị mắc căn bệnh như người anh và em của mình khi vừa 17 tuổi. Kể từ khi người con trai đầu bị bệnh cho đến nay, cuộc sống của gia đình cô là những chuỗi ngày đi viện triền miên, người con này chưa ra viện thì người con khác lại nhập viện. Không chỉ các con mà ngay cả chồng cô cũng đau ốm thường xuyên, hai lần cắt sỏi thận và hiện đang bị suy thận giai đoạn 3, mọi công việc nặng của gia đình đều mình cô gánh vác. Những tưởng cuộc sống sẽ bớt khó khăn hơn khi hai người con trai lớn của cô lập gia đình. Nhưng cuộc đời thật trớ trêu khi người con dâu cả vì không chịu nổi những khó khăn, vất vả đã bỏ đi để lại người cháu gái khi đó mới được 4 tuổi; còn người con trai thứ 2, do bị bệnh, không thể làm được công việc nặng nên kinh tế cũng chỉ đủ ăn, còn tiền thuốc, tiền viện cô vẫn phải chu cấp. Vậy là ở tuổi ngoài 50 cô vẫn phải lo cho chồng, các con và cô cháu gái nhỏ, trong khi bản thân cô đã hai lần mổ sỏi niệu quản, xuất huyết dạ dày. Để có tiền thuốc men và sinh hoạt trong gia đình, sau những giờ lên lớp cô lại tất tả đi cắt cỏ nuôi bò, mò cua bắt ốc để đem bán, ai thuê gì cô làm nấy kể cả phu hồ, vác đất... Nhiều người dân trong xã nhận xét, không biết liệu đặt mình vào hoàn cảnh như vậy thì có thể đững vững được hay không. Bác Dương Thị Mừng hàng xóm của cô Động cho biết: Hoàn cảnh của cô Động vô cùng khó khăn, có khi phải nhất xã này, tuy nhiên cô vẫn cố gắng vươn lên, vừa tích cực công tác vừa chăm lo chu đáo cho gia đình. Mặc dù bản thân còn gặp nhiều khó khăn nhưng cô luôn sẵn sàng giúp đỡ những người kém may mắn, động viên để họ vươn lên trong cuộc sống.
Gắn bó với nghề nuôi nạy trẻ đến nay gần 40 năm nhưng đến nay mức lương của cô mới chỉ được trên 3 triệu đồng/ tháng – một con số quá nhỏ so với những cống hiến, đóng góp của cô. Để có thể bám trụ với nghề đối với cô Động là cả một sự nỗ lực, cố gắng phi thường và lòng yêu trẻ vô bờ bến. Bởi ngoài giờ đứng lớp cô còn cả một gánh nặng trên vai: Vừa là bà, vừa là mẹ, vừa là vợ, vừa là người trụ cột gia đình. Ngay từ những ngày đầu khi mới bước chân vào nghề, nhiều người thân trong gia đình và bạn bè đã khuyên cô nên từ bỏ vì vừa vất vả mà thu nhập lại chẳng đáng là bao. Tuy nhiên cô vẫn gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ: Cô Động tâm sự: Những năm đầu công tác, giữa bộn bề khó khăn, đồng lương lại vô cùng ít ỏi chỉ tính bằng ngô, bằng thóc nhưng cô vẫn kiên trì, một lòng yêu thương con trẻ. Với cô ngày ngày đến lớp được ngắm nhìn ánh mắt trẻ thơ, nhận được tâm sự, sẻ chia của các đồng nghiệp là động lực để cô gắn bó với nghề.
Phần thưởng lớn nhất của cô có lẽ chính là sự tin tưởng, yêu quý của các bậc phụ huynh và các cháu nhỏ. Lớp của cô Động lúc nào các cháu cũng nhiều nhất so với các lớp khác trong trường. Biết bao thế hệ được cô nuôi dạy, trưởng thành và nay lại trở về để gửi gắm con mình cho cô. Chị Nguyễn Thị Hoa, phụ huynh em Dương Thị Thảo Nhi chia sẻ: Trước đây tôi được cô Động chăm sóc, dạy dỗ suốt những năm học mẫu giáo. Đến nay tôi lại tin tưởng gửi con cho cô, bởi cô là người phụ nữ có nghị lực phi thường. Mặc dù hoàn cảnh của cô không được may mắn như các cô khác trong trường nhưng cô luôn đem nhiệt huyết và cả tấm lòng để chăm sóc và chỉ dạy cho các cháu. Tôi tin rằng, được cô nuôi dạy con gái tôi sẽ ngày càng trưởng thành và tự tin.
Nhận xét về lòng yêu nghề, mến trẻ của cô Động, Cô Lã Thị Hoa - hiệu trưởng trường mầm non Quảng Châu cho biết: Mặc dù điều kiện hoàn cảnh khó khăn nhưng cô Động luôn cố gắng hết mình, tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Đặc biệt là trong việc chăm sóc, nuôi dạy các cháu, cô luôn bố trí thời gian hợp lý, không xao nhãng, đảm bảo cho các cháu có môi trường học tập tốt nhất.
Nghị lực vượt khó vươn lên của cô giáo Nguyễn Thị Động đã một lần nữa khẳng định, mọi khó khăn sẽ không là gì nếu có sự đam mê, nềm tin vào cuộc sống. "Đừng để cuộc đời làm thay đổi nụ cười của bạn, hãy để nụ cười của bạn làm thay đổi cuộc đời".
Thu Trang (Đài Truyền thanh thành phố)