Anh Đỗ Xuân Đoàn ở phường Lam Sơn là một trong những hộ nuôi ong có thâm niên chia sẻ: Nghề nuôi ong không đòi hỏi kỹ thuật cao mà thu nhập khá nên từ những năm 2000 gia đình đã nuôi ong mật. Lúc đầu chỉ có từ 5 – 10 tổ ong, mật chủ yếu bán lẻ cho bà con ở địa phương, tới nay gia đình phát triển trên 200 đàn, chủ yếu là giống ong Ý lấy mật để xuất khẩu. Mật ong Ý có màu nhạt và không có vị thơm ngậy như ong mật; song sản lượng mật cao gấp 3 - 4 lần so với ong mật. Do nhu cầu thị trường xuất khẩu mật nên anh chỉ nuôi duy nhất loại ong Ý, vừa lấy mật vừa cung cấp ong giống cho các hộ. Nuôi ong Ý đòi hỏi người nuôi phải theo dõi đàn sát sao tránh dịch bệnh, bên cạnh đó phải để ý đến sinh trưởng của đàn. Nếu một đàn số lượng ong đông quá sẽ tự tách. Anh Đoàn nhẩm tính: Chi phí cho một đàn ong Ý khoảng 2 triệu đồng (tiền ong giống, tiền đóng cầu và đóng thùng nuôi). Mỗi thùng ong Ý thu từ 40 - 50kg mật/vụ, với giá mật ong dao động từ 80.000 - 100.000 đồng/kg, mỗi vụ thu khoảng 100 triệu đồng; trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh Đoàn thu từ 250 - 500 triệu đồng (sản lượng mật phụ thuộc vào thời tiết hàng năm). Do số lượng nuôi lớn, nên hàng năm anh thường xuyên phải di chuyển đàn ong đi các tỉnh: Sơn La, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Quảng Ninh… nơi có nguồn hoa phong phú để không ảnh hưởng đến chất lượng mật. Không chỉ là địa chỉ mật ong, giống ong, hiện gia đình anh Đoàn còn cung cấp ra thị trường các sản phẩm sữa ong chúa mang thêm nguồn thu nhập không nhỏ.
Người nuôi ong đang kiểm tra cầu ong
Không giống với anh Đoàn, anh Nguyễn Văn Tuấn cũng ở phường Lam Sơn lại lựa chọn nuôi giống ong ta. Vừa nhẹ nhàng lật mở các thùng ong, nhấc lấy cầu ong để tách mật, anh Thành vừa chia sẻ: Nhà anh chỉ nuôi duy nhất giống ong nội, dù ong nội thể trạng không to bằng ong Ý, sản lượng mật cũng kém hơn nhiều nhưng bù lại ong nội lại cho chất lượng mật thơm ngon hơn. Đặc biệt hiện nay đang là mùa hoa nhãn, ong nội sẽ làm ra loại mật đặc biệt ngon mà không có bất cứ loại mật của loài hoa nào sánh được. Mật ong nhãn vừa ngọt, vừa sánh, vừa thơm, màu lại đẹp mắt và đặc biệt là công dụng của nó đối với sức khỏe và làm đẹp. Tuy nhiên mỗi vụ một thùng ong nội chỉ thu được khoảng 15 kg mật. Ong ta cho năng suất thấp hơn ong ngoại nhưng chất lượng mật thơm ngon hơn và giá cũng đắt hơn. Giá của mật ong ta hiện nay khoảng 150 nghìn/kg.
Thành phố Hưng Yên có khoảng hơn 1.468,8 ha trồng cây ăn quả lâu năm như nhãn, táo, bưởi. Tận dụng lợi thế này, một số hộ dân nơi đây đã phát triển nghề nuôi ong lấy mật, cho hiệu quả kinh tế khá. Hiện tại, thành phố Hưng Yên có trên 20 hộ nuôi ong với tổng số khoảng trên 1.000 đàn, tập trung chủ yếu ở phường Lam Sơn, Hồng Nam, Quảng Châu. Đến mùa hoa nhãn, còn có nhiều hộ dân từ các nơi khác mang ong đến các vườn nhãn ở thành phố Hưng Yên để lấy mật. Nhìn những vườn nhãn được phủ khắp bởi màu vàng của hoa, trong mắt những người nuôi ong cũng không khỏi ánh lên niềm vui, tin tưởng vào mùa vụ bội thu. Anh Nguyễn Văn Tuấn, hộ nuôi ong ở phường Lam Sơn cho biết: Nhìn chung thì mật nhãn có nhiều công dụng, được thị trường ưa chuộng nên chúng tôi thường chú trọng giữ đàn để tập trung khai thác mùa hoa nhãn. Bây giờ chúng tôi đang quay nước một, ít ngày tới sẽ quay nước hai. Đây là thời điểm hoa rộ, mật ngon nhất trong năm. Các vườn nhãn đều rất sai hoa, nếu thời tiết thuận lợi thì tôi tin chắc vụ mật nhãn năm nay sẽ thắng lợi.
Cũng theo các hộ nuôi ong chia sẻ, nghề nuôi ong mật không phải đầu tư quá nhiều tiền thức ăn, bởi chủ yếu phụ thuộc vào nguồn hoa từ thiên nhiên. Khi hoa ở nơi này hết thì sẽ di chuyển đàn sang vùng khác có hoa để lấy mật. Cái khó của nghề chủ yếu là người nuôi ong phải sống cảnh du mục, nay đây mai đó, nhưng bù lại, việc nuôi ong lại mang đến thu nhập không nhỏ cho các hộ gia đình, không chỉ ấm no mà nhiều hộ còn trở nên khá giả từ nuôi ong. Và cũng chính từ những giọt mật mà các chú ong đưa về đã góp phần tạo nên một sản phẩm mang đậm nét đẹp riêng biệt, vang danh khắp cả nước “mật ong hoa nhãn Hưng Yên.” Tuy nhiên, vấn đề đang đặt ra hiện nay là sản phẩm mật ong hoa nhãn được làm ra và bán trên thị trường chủ yếu vẫn theo hình thức tự phát, không có sự thống nhất giá cả dẫn đến người tiêu dùng hoài nghi về chất lượng mật ong. Vì vậy, vấn đề xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cần được các ngành chức năng quan tâm hơn nữa sẽ tạo động lực lớn cho người dân mở rộng quy mô nuôi ong lấy mật, chất lượng mật ong hoa nhãn cũng sẽ được nâng lên./.
Thùy Linh (Đài Truyền thanh thành phố)