10/10/2024 NGÀY CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA-PHỔ CẬP HẠ TẦNG SỐ VÀ SÁNG TẠO ỨNG DỤNG SỐ ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ ĐỘNG LỰC MỚI CHO TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ SỐ VÀ NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG
  09/12/2022     |  Lượt xem 10   

Khai mạc lễ hội đền Mây năm 2022

Sáng 09/12 tức ngày 16/11 âm lịch, Ban quản lý khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến tổ chức khai mạc lễ hội truyền thống đền Mây năm 2022. Về dự lễ khai mạc có đồng chí Lương Công Chanh - Phó bí thư thường trực thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; đồng chí Phạm Quốc Hoàn - Ủy viên Ban thường vụ thành ủy, Phó chủ tịch thường trực UBND thành phố; đồng chí Trương Quốc Trân - Ủy viên Ban thường vụ thành ủy, Trưởng Ban tổ chức thành ủy; lãnh đạo các phòng, ban, ngành thành phố cùng đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương.

Các vị đại biểu và nhân dân dự Lễ khai mạc

Đền Mây nằm trên địa phận khu phố Đằng Châu, phường Lam Sơn, là nơi thờ Tướng quân Phạm Bạch Hổ (tức Phạm Phòng Át) - vị tướng tài ba của nước ta trong thời kỳ đầu của kỷ nguyên độc lập tự chủ (đầu thế kỷ thứ X đến đầu thế kỷ XI). Ông từng làm Hào Trưởng đất Đằng Châu, là tướng tài của Dương Đình Nghệ. Ông có công phù giúp Ngô Quyền đánh tan quân xâm lược Nam Hán trên sông Bạch Đằng vào năm Mậu Tuất (938). Khi Ngô Quyền xưng Vương, đặt quốc hiệu, đóng đô ở Cổ Loa, ông lui về vùng đất Đằng Châu, bảo vệ an ninh cho vùng xung yếu này. Đến thời Hậu Ngô Vương, phong ông làm Phòng Át, trấn giữ vùng biển Hải Đông. Phạm Bạch Hổ về Đằng Châu xây dựng lũy thành làm lỵ sở. Ngoài ra, ông còn giúp dân khai khẩn đất hoang, mở mang đồng đất, cấy trồng làm cho dân trong vùng được no ấm. Khi Hậu Ngô Vương mất, các hào kiệt nổi lên cát cứ từng vùng. Phạm Bạch Hổ chiếm giữ Đằng Châu và là một trong 12 sứ quân thời đó. Phạm Bạch Hổ được Vua Đinh phong đến Thân Vệ Đại tướng quân và ông đã lập được nhiều công lao trong sự nghiệp thống nhất đất nước của Đinh Tiên Hoàng. Phạm Bạch Hổ mất ngày 16 tháng 11 năm 983, ông được vua Lê phong là Đằng Vương, sắc cho dân lập đền thờ ở quân doanh và suy tôn ông làm Thành hoàng. Đền xây dựng xong, Vua Lê phong tặng ông là “Khai thiên hộ quốc thượng đẳng tối linh thần”.

Đền được thiết kế dạng chữ “Tam”, gồm: Tiền tế, Trung từ, Hậu cung với nhiều chi tiết chạm trổ tinh xảo, có giá trị mỹ thuật cao. Hiện nay, đền Mây còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị lịch sử - văn hoá, nghệ thuật như: Đại tự, kiệu Bát cống, châm thư và18 đạo sắc phong qua các triều đại phong kiến... Đây là những di sản văn hoá vô giá rất cần được gìn giữ, bảo vệ và khai thác, phát huy giá trị. Với những giá trị tiêu biểu, đặc sắc về lịch sử, văn hoá và kiến trúc nghệ thuật, đền Mây được Bộ Văn hóa - Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích “Lịch sử và kiến trúc nghệ thuật” năm 1992 và là một trong 16 điểm di tích thuộc khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến. Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân thôn Đằng Châu mà còn là niềm vinh dự của người dân Hưng Yên.

Đánh Trống, đánh Chiêng khai hội

Các vị đại biểu và nhân dân dâng hương

Để tưởng nhớ công lao to lớn của vị anh hùng dân tộc Phạm Bạch Hổ, hàng năm, đền Mây thường tổ chức lễ hội vào hai dịp: vào tháng Giêng kỷ niệm ngày sinh và tháng 11 âm lịch kỷ niệm ngày mất của Tướng quân. Đây là dịp thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, biết ơn công lao của vị thần có công với đất nước.

                                                        Nguyễn Hồng – Công Hiếu (Trung tâm Văn hóa và Truyền thanh thành phố)

 
Tin, bài đọc nhiều
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 4237706