Các đồng chí đại biểu và nhân dân dự Khai mạc lễ hội
Đền Lạc Long Quân tọa lạc tại xã Xích Đằng, tổng An Tảo, huyện Kim Động, trấn Sơn Nam Thượng xưa. Nay thuộc khu phố Xích Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Ngôi đền tôn thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân, vị vua sơ khai mở đầu cho 18 đời vua Hùng Vương dựng nước, gắn với truyền thuyết “con Rồng cháu Tiên” trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Đền thờ hiện được xây dựng trên khuôn viên đất rộng 2.850m2 gồm các hạng mục công trình: Tam quan, Tả vu, đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân và hệ thống sân vườn. Trong đó, khu đền chính có diện tích mặt bằng 143m2 với kết cấu kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 03 gian Tiền tế và 02 gian Hậu cung. Các hạng mục, cấu kiện được làm bằng gỗ lim vững chắc, mang đậm dấu ấn của một công trình kiến trúc cổ truyền thống, phù hợp với làng quê vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ.
Tương truyền, Lạc Long Quân tên húy là Sùng Lãm, hiệu là Sùng Hiền Vương. Ông là con trai thứ 9 của Kinh Dương Vương và thần Long Nữ. Ông nổi tiếng là người tài giỏi, sức khỏe phi thường, đặc biệt, ông có tài đi lại dưới nước như trên cạn. Lạc Long Quân kết duyên cùng Âu Cơ, sinh ra một bọc trăm trứng, sau nở thành một trăm người con trai. Để gây dựng giang sơn, năm mươi người theo cha xuống biển, năm mươi người theo mẹ lên đất Phong Châu, cùng tôn người con cả lên làm Vua lấy hiệu là Hùng Vương, đặt quốc hiệu là Văn Lang. Con trai Vua gọi là Quan Lang, con gái là Mị Nương, tướng văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc tướng. Các đời Vua đời đời thế tập gọi là Hùng Vương. Lạc Long Quân được xem là Quốc tổ của dân tộc Việt Nam và được người đời vô cùng sùng bái, tôn kính. Năm 1740, khi chúa Trịnh Doanh cầm quân đi dẹp loạn qua khu vực Phố Hiến đã được Đức Lạc Long Quân thờ tại miếu Xích Đằng âm phù giúp đánh thắng giặc.
Đánh Trống, đánh Chiêng khai hội
Các đồng chí đại biểu cùng nhân dân và du khách thập phương dâng hương tế lễ
Lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm vào ngày 26/2 âm lịch, để tưởng nhớ công đức của Đức Quốc tổ Lạc Long Quân. Trong lễ hội có nhiều hoạt động như tế lễ, dâng hương và giao lưu văn nghệ được người dân nơi đây diễn xướng hội như: hát chèo, hát quan họ…/.
Nguyễn Hồng – Công Hiếu (Trung tâm Văn hóa và Truyền thanh thành phố)