10/10/2024 NGÀY CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA-PHỔ CẬP HẠ TẦNG SỐ VÀ SÁNG TẠO ỨNG DỤNG SỐ ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ ĐỘNG LỰC MỚI CHO TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ SỐ VÀ NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG
  15/02/2018     |  Lượt xem 9   

Đảo cò Phố Hiến Hưng Yên nơi đất lành chim đậu

Từ xa xưa, hình ảnh những cánh cò đã in đậm trong tâm khảm bao thế hệ người Việt.

“Cái cò bay lả bay la

Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng”

                                                (Ca dao)

 Hình ảnh cò được hình tượng hóa như người phụ nữ Việt Nam tảo tần nuôi chồng, nuôi con:

“Quanh năm buôn bán ở mom sông

Nuôi đủ năm con với một chồng

Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông”

                                                        (Thơ Trần Tế Xương)

Thời kỳ công nghiệp hóa, đô thị hóa, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan trên đồng ruộng và nạn săn bắn đã làm vắng dần những cánh cò bay lả bay la. May thay và cũng kỳ lạ thay trong ồn ào phố thị giữa lòng thành phố Hưng Yên (Phố Hiến xưa) xuất hiện những chùm hoa trắng khổng lồ mà những cánh hoa ấy là ngàn vạn cánh cò, cánh vạc.

Đảo Cò nằm giữa hồ nước rộng thuộc công viên Nam Hòa, phường Lê Lợi, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, nguyên là đầm Lò Nồi (trước đây có lò gốm chuyên làm nồi đất phục vụ đời sống dân sinh của Phố Hiến xưa nên có tên gọi là đầm Lò Nồi). Đầm trồng sen, thả cá. Từ những năm 90 của thế kỷ 20 người dân địa phương cho biết đã có cò về ở.

Năm 2003, thành phố Hưng Yên cải tạo đầm Lò Nồi thành công viên Nam Hòa, giữ lại và tôn cao đảo ở giữa đầm trồng cây xanh (chủ yếu là tre Bát Bộ) để bảo tồn đàn cò. Năm 2005 công viên Nam Hòa hoàn thành có hồ nước hơn 12ha, giữa hồ là Đảo Cò rộng gần 4.000 m2.

Khi công trường thi công trước ồn ào náo nhiệt của người, của máy đào, máy xúc, đàn cò bay đi cả. Nhiều người tiếc nuối, không biết có còn được nhìn những cánh cò bay. Nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra, chỉ trong thời gian rất ngắn sau khi công viên hoàn thành, cây trên đảo trở lại màu xanh, không gian hồ và đảo trở lại không khí yên bình, xuất hiện từng tốp 5-7 con, rồi từng đàn cò bay rợp trời trở lại nơi sinh sống cũ. Hình như do lạ lẫm và cũng như để khám phá khung cảnh mới, từng đàn cò chao liệng trên mặt hồ trong xanh, bay nhiều vòng quanh đảo rồi mới đáp xuống những ngọn cây tre, những lùm tre bát bộ đung đưa trong gió như cũng vui mừng từ nay có bạn.

Cò về nhiều hơn gấp nhiều lần đàn cò đầm Lò Nồi cũ. Nhiều người dân tụ tập quanh hồ ngắm đàn cò về như đón một sự kiện lớn trong đời, trong tâm khảm như muốn thốt lên “đúng là đất lành chim đậu”. Đến nay cò rủ nhau về làm tổ và sinh sản trên đảo ngày càng đông, đơn vị quản lý Đảo Cò ước tính khi nhiều nhất trên đảo có trên dưới một vạn con cò gồm đủ loại: cò đen, cò trắng, cò mỏ vàng, cò mỏ trắng…Còn có cả vạc, bồ nông…

Thường lệ sáng sớm, chiều tối tản bộ trên bốn con phố quanh hồ mang tên những danh nhân lịch sử văn hóa: Lê Lai, Đoàn Thị Điểm, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, ngắm từng đàn cò bay đi kiếm ăn và bay về tổ là thói quen thường nhật của nhiều người ở thành phố Hưng Yên.

Sáng sáng, lúc mặt trời chưa tỏ lại râm ran tiếng cò gọi nhau, vỗ cánh bay từng đàn đi kiếm ăn ở các cánh đồng ven sông Hồng, sông Luộc, sông Trà Lý, bởi thành phố Hưng Yên ở ngã ba sông “Một tiếng gà gáy ba tỉnh (Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam)  đều nghe”. Âm thanh vỗ cánh, gọi bầy của ngàn, vạn con cò như báo thức mọi người bước vào một ngày mới, báo hiệu ánh bình minh. Lúc chiều tà từng đàn cò trắng rợp trời bay về đảo, dưới đường phố hàng đoàn học sinh tan học tỏa về các nơi, nhiều em còn đến ngắm những cánh cò trắng bay liệng trên mặt hồ lung linh dưới ánh hoàng hôn, tạo lên khung cảnh thật nên thơ.

                 Đảo Cò, phường Lê Lợi (thành phố Hưng Yên)

Cò đã gắn bó với người dân thành phố Hưng Yên, người dân xung quanh hồ coi cò như bạn. Cứ mỗi khi cò chao cánh hàng giờ trên mặt hồ là mọi người lại cất quần áo, xe cộ để tránh mưa, bởi mỗi lần cò bay như vậy là trời lại sắp có mưa.

Việc bảo vệ đàn cò, đảo cò - báu vật thiên nhiên ban tặng mảnh đất này, đã thành ý thức tự giác của đông đảo mọi người. Không ai bắt cò, nhặt trứng cò. Nhiều chú cò, cô cò con tập bay, mỏi cánh xà xuống nhà dân đều được đưa trở lại Đảo Cò. Cò cũng coi người như bạn, nhiều chú cò, cô cò ung dung rỉa cánh bên mép hồ không hề sợ sệt trước từng tốp người tản bộ hoặc đậu cửa quán cà phê, giải khát tạo sự thích thú cho bao thực khách.

Nhiều du khách sau khi thăm quan các di tích lịch sử văn hóa Hưng Yên (Văn miếu Xích Đằng, đền Mây - phường Lam Sơn; chùa Chuông, đền Trần, đền Mẫu - đường Bãi Sậy; đình Hiến, chùa Hiến, Đông Đô Quảng Hội - đường Phố Hiến; đền Thiên Hậu, Võ Miếu Hưng Yên - đường Trưng Trắc; đền Bà Chúa Kho - đường Điện Biên…) trong hành trình du lịch tâm linh về Phố Hiến xưa, đã đến các cửa hàng ăn, quán cà phê, giải khát ven hồ vừa nghỉ ngơi, sinh hoạt vừa hít thở không khí trong lành, ngắm mặt hồ trong xanh không một cọng rác, cánh bèo, thỉnh thoảng xao động bởi đàn cá quẫy đuôi. Vừa ngắm Đảo Cò để được thả hồn theo những cánh cò bay.

Sau hơn chục năm đưa vào sử dụng, thành phố Hưng Yên đang cải tạo lại công viên Nam Hòa. Đảo Cò được kè đá, trồng thêm tre bát bộ. khuôn viên công viên được cải tạo thông thoáng, đặt nhiều phương tiện thể dục dưỡng sinh cho người cao tuổi, phương tiện phục vụ vui chơi giải trí cho trẻ thơ. Trong thời gian cải tạo công viên, kè đá cho đảo cò, do mẫn cảm với tiếng động nên đàn cò bay đi vợi. Nhưng cò không bay đi đâu xa mà bay sang đảo giữa hồ nước thuộc công viên An Vũ, đối diện qua đường phố Điện Biên. Khi công nhân nghỉ việc, không khí trở lại yên bình, đàn cò lại bay trở lại.

Hiện giữa hồ thuộc công viên An Vũ, đối diện với hồ công viên Nam Hòa qua đường phố Điện Biên cũng có đảo trồng cây với diện tích tương đương đảo cò công viên Nam Hòa. Trên đảo cũng có nhiều cò đến ở. Đặc biệt vào những ngày hè, từng đàn cò trắng đậu trên các ngọn cây phượng nở hoa đỏ rực như bức tranh sơn thủy tuyệt đẹp giữa thiên nhiên.

Người đi bộ trên các tuyến đường quanh hồ mang tên thân mẫu Bác Hồ, bà Hoàng Thị Loan và các danh nhân lịch sử văn hóa: Nguyễn Huệ, Nguyễn Đình Nghị, Hồ Xuân Hương, rất thích thú ngắm đàn cò bay về đậu kín đảo cò công viên An Vũ. Người dân bên hồ của hai công viên cho biết, thành thói quen khi cải tạo công viên này thì cò bay đỗ tạm sang đảo cò công viên bên kia. Như vậy trên diện tích khoảng 1km2, thành phố Hưng Yên có đến hai đảo cò với số lượng hàng vạn con, là địa điểm thư giãn tinh thần của nhiều người dân Hưng Yên và là điểm đến của đông đảo du khách gần xa!

            Trần Văn Quý

 
Tin, bài đọc nhiều
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 4238015